1 – Chợ Đêm Myeong Dong
Chợ đêm là một nét văn hóa đặc trưng ở các nước thuộc khối Châu á. Do tính chất địa lý và nền ẩm thực phong phú, một hình thái quyến rũ với đủ sắc màu kỳ thú được dọn mâm mời khách ghé thăm. Những khuôn mặt tò mò lẫn kích thích giữa khung cảnh hoành tráng, cảm giác là muốn nếm ngay các món ăn được chế biến tại chỗ. Người qua lại nhộn nhịp vừa dạo vừa ăn, không khí như lễ hội đường phố.
Nếu ai thích nhún nhảy theo tiếng nhạc xập xình giữa lòng phố cùng chai bia lạnh, hay nhấn mười ngón chân xuống hồ cho cá làm móng thì Siêm Riệp (Campuchia) là một lãnh địa đầy hình thái. Chợ gần như xuyên đêm, đủ các món ăn chơi, hết khách chợ vãn. Tận đầu ngõ đông có thể nghe được âm thanh rổn rảng xập xình từ ngõ tây.
Ai thích săn hàng tàu thì qua chợ Quý Bà ở Hong Kong, giá mềm như bún. Một sân khấu với đủ món thượng vàng hạ cám, chỉ là người bán và người mua đôi khi không hiểu nhau cho lắm!
Có thể người Hàn khác một chút chăng! Họ thân thiện dễ mến, cho dù ta cầm món hàng trên tay soi nghía, đặt xuống và quay bước đi, ta vẫn nhận được nụ cười và cái gật đầu hiếu khách.
Văn hoá Hàn là một ẩn số luôn làm du khách tò mò. Đâu chỉ phim ảnh mới hút mắt, hay các nhóm nhạc trẻ idol Kpop, Blackpink, BTS mới làm nên dấu son đỏ chói. Màu ớt đẹp chóa lóa trên đĩa kim chi trong mỗi bữa ăn của dân Hàn mới là tuyệt phẩm. Ẩm thực và mỹ phẩm nhất là facemask gần như chiếm trọn thị phần ở đây. Một sự tương phản lạ lùng là đồ trét mặt rẻ như chì, đồ bỏ miệng nhai mắc như vàng trắng. Tuy nhiên trái cây ở Hàn lại là một sự ưu đãi đầy tình thân ái. Trái Dâu to đùng ngọt mềm tan trong miệng, hương thơm ngào ngạt, giá mềm như Dâu. Kiwi trồng tại đảo Jeju cũng thế, không gì ưu ái hơn. Cả một xe trái cây đủ sắc màu làm khung ảnh chợ thêm bắt mắt.
Chợ đêm Myeong Dong mang phong cách ẩm thực nghệ thuật đường phố rõ nét hơn hết. Náo nhiệt nhưng không ầm ĩ, rộn ràng nhưng không xô bồ hàng hóa tạp nham. Chợ bọc quanh nhà hát (Myoeng Dong Theater) khách ngồi trên các bậc thang nghe vài tay chơi đàn điệu nghệ, cậu sinh viên rất trẻ đang kéo Violin đầy mê hoặc. Khoảng sân rộng phía trước bày đủ các xe bán hàng ăn bắt mắt, nhưng sự ồn ào không hề lấn tiếng hát du dương. Miệng nhai, tai nghe nhạc cũng có cái thú lạ kỳ.
Dọc dài các hàng quán đồ chiên cùng màu đỏ ớt nổi trội hơn hết. Độ cay xè sẽ làm phồng má những ai đang đau bao tử, vẫn không cam lòng đứng ngó rồi tấp vào, rồi phải nhón một miếng xem sao và nhanh chân đi tìm nước uống. Thế nên đôi khi ta nghĩ người Hàn nóng tính, chắc là ăn quá nhiều ớt. Nhưng có lẽ đó chỉ là một phần trên phim ảnh, họ thật sự nhã nhặn và lịch sự.
Ăn cay trong cái lạnh hơn mười độ rất kích thích, cảm giác ấm nóng dung hòa không làm ta rét buốt. Nhưng thức ăn đường phố mỗi món bình quân 3.000 – 4.000 Won (1.000w ~ 19.000 vnđ) bạn quơ một loáng hai ba món xem ra vẫn chỉ là tráng miệng.
Tôi rê bụng vào nhà hàng hỏa diệm sơn ngay mặt tiền chợ. Đặc sản từ lòng bò, đến vành mắt và thịt bò. Trên cái chảo to được xếp thêm khoai tây, bí đao và nấm, trông hoành tráng và đẹp mắt vô cùng.
Vài nhà hàng đắt khách ở Seoul có quy định khá khắt khe. Như món gà hầm sâm nổi tiếng gần Cung Điện Hoàng Gia cũng thế, gọi món ăn tính trên đầu người, ăn gì cũng được miễn đủ phần.
Riêng lòng bò hỏa diệm sơn thì phải gọi đúp, ngay cả khi chỉ có một mình. Nếu không thích ta cứ ung dung bước ra cửa. Món này được phục vụ từ A đến Z, nhân viên khè lửa cho cháy bùng lên, những ai mới ghé ăn lần đầu sẽ giật mình à ồ, né, rồi xáp vô. Với riêng tôi, vành mắt bò thật sự dai nhách, và giá cho việc thưởng thức từ mắt tới miệng cao ngất ngưỡng.
Có vẻ nơi đây không khuyến khích nước uống có ga, nên suốt khu chợ đêm không thấy bày bia bọt. Trừ khi vào quán ăn, có rượu Shochu, rượu gạo rất ngon và khá nặng đô. Nên khi vừa bước ra khỏi quán, tôi thấy một người đàn ông lớn tiếng, hành vi cũng không gọi là xô xát. Thế nhưng, trong vòng bảy nốt nhạc tiếng còi xe quéc quéc tắp vô thắng két, họ đưa ông về đồn nhanh như khi họ xuất hiện.
Chợ đêm Myoeng Dong tan rất sớm, hơn mười giờ là các shop mỹ phẩm đóng cửa. Lần lượt các xe hàng ăn mất bóng trong chớp nhoáng. Đường phố chợt yên lặng, không gian sạch thoáng không một mảnh rác nào rơi vãi. Tôi đã đi khắp Seoul và ngạc nhiên về ý thức cộng đồng của họ. Từ thành thị đến thôn quê vẫn thế, nhà vệ sinh ở khắp nơi và sạch đến không tưởng. Thế nên việc tôi đi dạo Seokchon Lake vào buổi sáng, và chợt cười khi có hai bé trai tay cầm đũa, tay cầm cái bao nhỏ xíu như bịch bánh snack, hai khuôn mặt sáng trưng đang tung tăng đi dọc hồ gắp rác. Đó có lẽ là những chiếc lá phong rơi theo gió!
2 – Mì Sông Hàn (Han Kang)
Có 27 cây cầu bắc qua sông Hàn trải khắp Seoul. Con đường dọc bờ sông rất dài và rộng, được dành cho người dân đi bộ, vui chơi. Cây xanh và thảm cỏ dầy đặc, ghế đá đặt khắp nơi. Ngồi đây nhìn qua các toà nhà cao tầng ôm lấy con sông rộng lớn trông cảnh vừa hiện đại lại vừa trầm mặc. Có lẽ khí hậu trong lành cùng ý thức bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, nên con sông sạch trong và lặng lờ như một tảng băng xanh uốn lượn.
Hàn Quốc nổi tiếng nhân sâm nhờ vùng đất núi lửa tích tụ khoán sản triệu năm, đó như món khoai lang dân dã của nước ta vậy. Nước dùng trong các món lẩu hay món hầm hầu như đều có mùi sâm ngây ngây. Thế nhưng với các tín đồ yêu mì gói thì dấu ấn của con sông đậm nét dân gian nhất lại là Mì sông Hàn.
Không chỉ khách du lịch mê mẩn, nghe đồn ai đến Hàn Quốc mà chưa ăn mì sông Hàn thì chưa cảm hết cái hồn của xứ xở kim chi, thứ đã đốn tim dân Hàn từ lớn xuống bé.
Đêm tháng năm 10 độ C. Nam thanh nữ tú ăn mặc nhẹ nhàng, họ thong dong dạo bộ tán gẫu trong cái lạnh xiết buốt qua từng cơn gió lướt. Từng tốp ngồi dàn ngang dưới chân cầu thang được xây khá nhiều tầng, và vẽ hoa văn rất đẹp. Từ đây, ngồi ngắm cảnh sao đêm lấp láy trên cao, phóng mắt qua bên kia sông thả hồn mơ mộng cùng hương mì thơm nức.
Thế nên bất chấp những cơn gió vi vu từ sông tạt vào, chúng tôi vẫn mon men đu trend ra đây. Vài tụ đã thấy khói bóc lên từ những tô mì giấy đẹp mắt, hương mì có thể nói là quyến rũ hơn cả nước hoa Chanel. Nhìn họ đưa đũa quấn một núi sợi vàng lên miệng kéo sột sột chợt thấy thèm quá đỗi. Chúng tôi nhanh chân đến cửa hàng tiện lợi gần đó, nhìn mười bốn cái máy đang làm việc hết công suất, khung cảnh người đứng nấu rất vui nhộn chợt ấm áp lạ kỳ. Mọi người xếp hàng dài chờ tính tiền và lấy tô, trông ai cũng thoải mái chờ đến lượt.
Không giống mì ở nước ta, chỉ cần đổ nước sôi vào chờ hai phút là ăn ngay, mì Hàn phải nấu sôi đến bốn phút mới chín. Ta có thể ăn kèm xúc xích, hột gà, tiện thể hai trứng gà luộc sẵn có giá là 3.000 won ~ 56.000 vnđ.
Trước tiên tôi đưa gói mì cho nhân viên, họ cân trọng lượng rồi dán tem lên tô giấy. Sau đó tôi áp mã vạch ngay máy nấu để máy định lượng số nước và tính phút mì chín. Đèn chớp xanh là vòi nước chảy vào tô, đến khi nước sôi sùng sục thì dùng đũa đảo mì cho đều, khói phả nghi ngút, hơi nóng xông lên bể mũi. Vì nấu sôi nên mì lâu nguội và mọi người có thể mang ra tận bờ sông thưởng thức.
Vừa đảo mắt tìm bàn thì một gia đình ba người, tôi đoán thế qua bộ đồ ngủ, chân mang dép lê, và cả ba đều khoác chiếc áo măng tô dài gần đầu gối. Họ ngoắc chúng tôi lại nhường bàn và đứng dậy trông đầy thỏa mãn, rồi ríu rít chạy ra xe hơi đậu bên lề. Chợt nghĩ, mình đi du lịch nên cũng bày đặt bon chen đến húp mì là phải rồi, họ là dân bản địa và như chuẩn bị ngủ mà? Hổng lẽ hương mì bay qua cửa sổ vào nhà luôn chăng! Trong nhà ấm áp, nếu lỡ thèm quá thì xuống bếp nấu, mắc gì lái xe ra tận đây, nhanh đến mức không chờ thay đồ ngủ. Thú vị, cảm giác ăn mì sông Hàn là tuyệt nhất, lẫn trong đêm sương là không khí nấu mì náo nhiệt, là quang cảnh chúm đầu vào tô, tiếng nói cười rang rảng cùng gió sông dội vào se lạnh.
Tôi nhìn đồng hồ đã 23,30’, sương khuya thở ra khói, chẳng ai chịu ngủ ư? Có lẽ họ thích ngồi đây ngắm sao trời, cùng nhau tán gẫu và hít hà không khí đêm huyền diệu. Nét văn hoá độc đáo đưa Mì Hàn lên tầm cao mới. Tôi vét cạn tô, càng lạnh húp cái thứ nước cay nóng thơm không gì bằng. Đủ sức đủ thoã mãn lếch xuống tàu điện ngầm về khách sạn đã 1giờ sáng.
Lệ Hồng tháng 5/2023