Review sách: “Của Chuột Và Người”

“Của Chuột và người” đoạt giải Nobel văn học năm 1962, gây sự ngạc nhiên cho chính tác giả. Bởi với ông, đây chỉ là cuộc dạo chơi nhỏ, một mảng màu trải lên vài thân phận con người trong xã hội đầu thế kỷ hai mươi mục ruỗng.

Vâng, ngạc nhiên là khi đóng cuốn sách lại ta như được giải phóng một năng lượng ngầm xám ngoắt trong ta. nhận ra thế giới vẫn đẹp biết bao. 

Có sáu nhân vật điển hình trong câu chuyện này, George và Lennie, Candy và Crooks, Curley và vợ của cậu ấy.

Như tất cả chúng ta, họ đều đeo bên mình một ước mơ đẹp về ngôi nhà hạnh phúc. Nó là chiếc phao cứu sinh giúp họ tồn tại. 

Tác giả John Steinbeck phải là người thật điềm tĩnh và thấu hiểu mới có thể tạo ra một George quyến rũ đầy xáo trộn. Anh thông minh một cách trần trụi, ranh ma mà nhân ái. Một mình, anh có thể tạo cho mình cuộc sống khá tươm tất. Nhưng không! một phần trong anh cố gắng được sống, một phần cố hết sức bảo vệ chăm sóc Lennie, anh chàng mắc bệnh cuồng ‘ve vuốt’. 

Ta không xem Lennie là một người đàn ông với thân hình khổng lồ, mà đúng nghĩa anh chỉ là một cậu bé có trí nhớ ngắn hạn. Trong ao ước của phần người, Lennie chỉ muốn có cuộc sống giản đơn. Cậu có tình yêu vô bờ với tất cả động vật có lông mềm, như Thỏ, Chó, Chuột sống lẫn chết. Miễn chúng đừng cựa quậy trong cái nắm tay vuốt nhẹ nhàng, rồi từ từ buộc chặt khi cậu chàng quá hưng phấn mà vô tình bóp nát chúng. Lennie không ý thức được lằn ranh giữa sống và chết, cái xấu trong vô thức! Cậu không cần phải biết, bởi tất cả đã có George lo toan.

George! Một tay đào tẩu tuyệt vời đã bao lần giải thoát cho cả hai. Bao cuộc chạy trốn thập tử vì những sinh linh vô tình lướt qua đôi tay hộ pháp của Lennie rồi chết ngạt.

Có thể nói trắng ra là không có George sẽ không còn Lennie. Hơn ai hết, George là người hiểu rõ nhất, điều đó biến anh thành vị thánh sống hoặc quỷ dữ trong một cái chớp mắt. Thiện ác chạy rần rật trong người George. Như mạch máu nuôi dưỡng sự mâu thuẫn cứ chảy tràn mỗi khi Lennie phạm tội. 

Điều anh cần là một mầm xanh hy vọng. Anh đã vẽ ra ngôi nhà mơ ước với mảnh vườn đàn thỏ. Lũ gà chíu chít sớm chiều. Mỗi ngày George gieo tình yêu đẹp nhất đó cho Lennie. Trong đôi mắt vô hồn của cậu bé to xác chỉ thấy mỗi sự sống duy nhất, nó đầy sắc màu hoa cỏ. Dấu son đỏ chót như phép màu kéo căng sự nhẫn nại, đã lan qua cả ước mơ của Candy, Crooks. Thật huyền diệu.

Thế nhưng, đến một ngày George phải chấp nhận căn bệnh của Lennie mang mầm huỷ diệt. Giết người vô thức vẫn là tội ác, nó ác bởi không ai đáng phải chết. Và rồi đến lúc phải chọn cho Lennie giữa cái chết êm ái, hoặc là mạng đền mạng trong nanh vuốt của Curley, tên đần tàn ác. 

Nhìn cảnh vợ của Curley với mái tóc dài mềm mượt đang nằm sóng soài trên đụn rơm, thì George đã phải nâng tầm thiện ác lên cao nhất. Anh nhận về đau thương gặm nhấm để bạn mình được ra đi nhanh nhất có thể mà không phải đau đớn. Một phát đạn sau gáy trong khi Lennie vẫn thao thao bất tuyệt về ngôi nhà thân yêu của họ. Ai có thể làm được thế! 

Ta chiêm ngưỡng nỗi dằn xé trong phần đẹp nhất của George, nó thật sự ngụp lặn rồi chói sáng theo đúng phong cách của anh.

Anh đã sống chung với cái xấu, giữa xã hội đầy chuột chết và những xác sống. Nó nhuộm đen anh, và hầu như cả giai tầng thấp kém trong xã hội tư bản. Quyền con người bị đặt dưới đế búa công lý đều ngăn ngắt một màu xám chết.

Một góc nhỏ trong anh không cho mầm xấu chiến thắng, chút niềm tin còn sót lại đẩy anh đi tới và cắt đi ung nhọt dẫu nhói lòng. Tuy không thay đổi được tất cả, rồi anh cũng sẽ như họ thôi, nhưng trong tích tắc phần người trong anh loé sáng. Nó đau đáu bi thương.

             Lệ Hồng