Nhà thơ Trần Võ Thành Văn trầm tình trong tác phẩm “Ngụ Ngôn Mùa Đông”

Trần Võ Thành Văn là một trong những nhà thơ trẻ tôi mến mộ. Chút yêu thích, vì hễ khi hắn cười tôi buộc phải cười theo. Cái chân chất như hề của người con đất Quảng cứ bàng bạc phơi ngang nắng muối. Tưởng khù khờ! thế nhưng khi em đùa với thơ thì em trở nên chiêm nghiệm như ông cụ non đáng ghét!

Tôi thích gọi tên em là Văn Thành hơn, đôi khi hắn nghe mà lơ đẹp. Hắn không giống ai trong làng thơ đầy chữ nghĩa, “viết ít nghĩ nhiều”, thế nên, xuyên suốt con đường thơ thẩn, hắn chỉ sẻ chia hai tập thơ “Quen Và Lạ, Ngụ Ngôn Mùa Đông”. Chất như nước cất.

Thơ của Văn không ru được điệu hò nào, mượt mà đó mà cũng phải nghiền ngẫm đến xót dạ. Phong cách thơ quá khác biệt, mỗi khuôn chữ tuôn ra đều từ tâm niệm sống. Không chỉ riêng mình, em sống cùng vạn vật, dưới trời trăng sóng gió, thơ em toát lên mầm lửa tóe sáng bất cứ khi nào con chữ bật bung.

 

     “Cánh đồng rêu láng ướt

     bốn mùa giáp hạt những ngày mưa”

Lời thương nhẹ thoát ra sự cơ cực. Cánh đồng lúa sao lại rêu phong láng ướt?, có phải lũ nguồn ngập đất khô cằn!. Đôi mắt thấu cảm của Văn xuyên sâu miền đất cháy, lúa vàng chỉ giáp hạt được những ngày mưa, rồi ba mùa còn lại về đâu? đất tự lên màu rêu phủ. Lênh đênh thế! Câu từ ngắn xúc tích mà chan lênh loáng nỗi lo đồng trũng.

 

     “đừng để mưa bay qua những hạt mầm

     đừng để thiên nhiên nợ chúng ta một lởi cảm tạ

     mình yêu nhau ngày hạn

     đừng để thiên nhiên tự nó phải hoang tàn”

            (đừng để thiên nhiên làm nứt hạt mầm)

Chỉ thế này thôi, khuôn mặt em trở nên trầm lặng. Hắn lại già hơn tuổi nữa rồi! Điệp từ ‘đừng để’ như xin xỏ ca thán năn nỉ, đủ cả. Hạt mầm thơ ngây ngước nhìn bóng nước bay qua, thèm khát.

Chúng ta đã làm gì thế này? Sao lại để thiên nhiên hờn tủi, ỉ oi, nức nở. Mặc tiếng thét gào, sự hoang tàn sẽ đến như cơn đại hồng thủy ập vào nuốt chửng. Song tôi phải thả lòng với câu “mình yêu nhau ngày hạn”, tự an ủi chúng ta chấp nhận những gì còn lại người ơi!

Ngụ ngôn của Văn là tiếng thét ngậm câm trong lồng ngực, thơ run rẩy theo tiếng chim lẻ bầy ru ri. Mùa đông sao nghẹn ngào lửa cháy, mẹ trái đất hẳn đã tàn hơi không thể nguyện cầu. Màu xanh chỉ còn là khói loang nhòa nhạt, câu kinh miếc theo quả cầu đỏ đơn côi trên chín tầng không, đằm đẫm bay qua đồng hoang lỗ chỗ.

     “tiếng chim sẻ hót qua lời cầu nguyện đống tro tàn

     mặt trời sẽ bay qua những cánh rừng không hề cây cỏ

     buổi chiều ngồi rửa tay bên mép mây tiền sử

     mùa đông mất cắp một mùi hương”

                        ​​​​​​​​(ngụ ngôn mùa đông)

“Buổi chiều rửa tay bên mép mây tiền sử” hình ảnh hóa hãi hùng. Màu chiều luôn ám ảnh, sắc nâu lịm dần, tất cả lùi về sau bóng mây quá khứ. Rửa tay ư! đôi tay vừa tạo nên một tàn tích? Mẹ thiên nhiên đã kiên nhẫn bao dung, thì xin hãy cố thêm cho hương đất được bền lâu mẹ nhé.

Cánh chim nhức nhối bay về phương nam tìm làn gió mát, đất ẩm nuôi mầm sống có dễ dàng hơn không. Có thể và không! Đàn chim di trú cũng lặn lội bến sông, gió chướng cũng bao lần thốc mặt. Hành trình cuộc người cuốn trôi về miền đất hứa đôi khi chỉ còn là quán tính, bản năng. Để nỗi ưu tư trở lại, mắt mồ côi hoang hoải nỗi buồn viễn xứ. Góc xưa lướt thướt mưa dầm/ bóng còn trên mái lá trầm mặc soi/ thềm khô sỏi đá vô hồi/ tương tư giấu lại đợi còi trăng lên.

Văn đang suy tư nơi nào vậy?

     “người về phố đông

     soi nhau một góc buồn mưa cũ”

Tôi chợt nghĩ về câu đùa của Văn. Chị cứ dạo chơi trong vườn văn thơ cho vui, khi nào buồn quá thì đi đâu đó giải khuây chị nhé. Tóm lại là đã vướng vào hồn thơ thì ngồi đâu cũng len lén tâm tư cả, chẳng phải thế mà Văn như người lữ hành đơn độc, lang thang tìm bóng mình trôi qua mùa thương nhớ.

     “tôi dọc triền lá bay lẻ bóng

     thương tuổi đời đâu đó, xa xăm…”

                     ​​​​​​(như mùa xanh xa xăm)

 Thơ chàng trai trẻ không dễ nuốt, bởi cứ nghẹn. Đôi khi mình nghĩ cuộc sống vốn nhọc nhằn nức nẻ rồi, thêm mắc mứu chi, thôi tìm gì đó nhẹ nhàng mà nhai cho nhanh gọn. Thì cũng gọi là món ăn tinh thần, là giải trí tái nạp năng lượng đấy thôi!

Thế nhưng nhẹ nhàng cũng dễ trôi tuột hơn, dễ ngủ quên trên chiếc giường êm ấm. Đến lúc chúng ta sẽ chẳng nhớ ta đã từng có những dòng sông uốn mình bên triền cỏ mướt hoa vàng. Những cánh rừng bạt ngàn búp nụ vươn cành đón nắng. Đừng để;

     ​​​“buổi nào nước mắt lập đông

     tơ tóc về thưa tình rằng khổ hạnh

     tiếng dế/mưa bay những hắt hiu dưới dại cuồng thắp sáng ​​

     những tiếng đàn rẩy rung cánh ướt về đậu giữa nóc trời đêm xa xót”

 Như thể mặt trời mệt mỏi thoi thóp lặng lờ, trăng vì thế vùi sâu dưới tầng mây đen đặc. Để mặc vũ trụ làm cơn thịnh nộ, mặc lời gọi hồn vọng nức cả hoàng hôn. Ta còn lại gì ngoài tiếng khóc của côn trùng bé bỏng. Và;

     “những tiếng em khạo khờ đau đáu bụi trăng khuya

     lời kinh nguyện suy tàn tất cả trước cơn giông ngang mùa lầm lỡ”

               ​​​​​​​​​(gõ cửa đêm đông)

 Thế nên, trái đất và các dãi ngân hà cứ vô tư rỉ máu, đâu ai nói về cái chết, chỉ là sớm muộn, cứ vô cảm như chiếc lá rời cành khô thu vỡ. ​​​​

     “Cánh rừng kia không nói về cái chết

     ​​​Sao phải buồn một tiếng lá vô tri”

 Tuy nhiên, sống là hy vọng, mong manh nhưng là chiếc phao ta cuộn người lao tới. Văn ước! Đời zích zắc có hoang đàng trêu ghẹo, cuộc mưu sinh giữa ‘những mưa trưa lệch phố’. Câu cảm thán chỉ dụ gây nên sự cam chịu, con cá nhỏ cố ngược dòng biển lớn kịp vặn mình sống để mỉm cười.

     “Những trưa mưa lệch phố

     có hề chi nhọc nhằn

     tuổi nhỏ ngược đàn bong bóng vỡ

     kịp khoảnh khắc và trôi”

                                    (hy vọng)

 

Nếu chỉ có thế, tập thơ “Ngụ Ngôn Mùa Đông” hẳn một màu xám trắng. Phải đọc thật chậm tôi mới nhận ra chất lãng mạn trữ tình nép trong từng câu cảm thán. Tâm hồn ướt át ấy luôn giấu mình trong nỗi trở trăn sợ hãi, nên vẻ ngoài của thơ luôn bọc nhựa đường nhám dính.

     ​​​“những chùm hoa sẽ nở trên lời ly ngộ

     một mai kia em lặng lẽ trở về cứu rỗi giấc mơ anh”

 ​​​​​​​​​​​(lặng lẽ, em) 

Sự trở về ngọt ngào, trong cơn mơ lặng lẽ niềm tin.

Hãy dõi theo Văn để cùng lên “chuyến tàu thơ dại”. Tuổi chập chững yêu,  những lần vụn dại giấu nỗi đau vào khung ký ức, để còn gồng gánh mang về mái nhà xưa.

     ​​​“ngọn đèn chong áo gấm

     hiu hắt những xa rồi

     trong mắt người thiếu nữ

     buồn mấy thuở sông trôi”

​​​* Nhà thơ trẻ không trẻ với giải khuyến khích: Cuộc thi sáng tác văn học Báo Văn Nghệ Thái Nguyên 2014

* Đại biểu Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần 2016  

* Đại biểu Hội nghị Viết văn trẻ TP. Hồ Chí Minh 2017

​​​​​​​​​​​                                  Lệ Hồng