Huyết thống

Tôi không ghi lại chuyện đời mình vì nó nhàm, độ nhạt của nó dày đến nổi tôi dư thời gian ngắm nghía thêm các khung hình đang vung vẩy, những âm thanh chói tai, thậm chí du dương rất khẽ tôi vẫn nghe được tất. Điều đó mang đến cho tôi nhiều cung bậc, không hẳn là những góc khuất khó tìm mới làm tim ta rung động, đôi khi chỉ là cú xẹt ngang của chàng chó nàng mèo cũng làm mắt ta cười, chân ta nhảy nhót. Thế nên, chỉ nhẹ nhàng thôi, tôi khắc họa lại những gì mình nghe thấy, còn xúc cảm thế nào phải nhường phần cho các bạn.

Nhà nàng có năm chị em gái.

Họ đẹp đều. Khó mà so sánh ai hơn ai, cái ta có thể săm soi họ chỉ ở tính tình, cách họ sống và cho đi như thế nào. Điểm mười là chị em họ rất thương yêu nhau, cách họ đỡ đần chăm sóc lẫn nhau làm ta buộc phải ghen tị. Nhưng đó chỉ là thế giới thu nhỏ của họ thôi, thế giới ngoài song cửa tác động vào họ mới làm tôi băn khoăn. Năm con người năm mảng đời, qua thăng trầm sóng gió bủa vây, năm cuộc đời ấy vẫn tụ về quấn quýt nhau như dây tầm xuân vắt vẻo hiên nhà, những bé gà non múp míp chạy quanh ổ rơm của mẹ và không muốn chạy ra xa hơn. Như thể trái đất quay quanh mặt trời, ngày sang đêm rồi lại đêm sang ngày.

Tôi cô đơn nhìn ngắm tổ ấm lưa thưa lỗ thủng nắng hồng này. Tôi không biết nên buồn hay vờ như không cảm nhận gì. Mà thật thà hơn thì chính tôi mới là người hưởng ké cái tình chị em đó. Mỗi dấu chân họ đi qua, trái tim tôi lắm khi ấm áp lắm khi đau buồn, tôi mến họ vì ít ra tình người trong xã hội đua chen đâu có bạc bẽo nhạt thếch như nước ốc.

Chị Hai. Có tên rất đẹp, nhưng nhà hay gọi thứ thay tên, nên tôi cứ theo thứ tự mà gọi vậy. Nhà đông con nên chị Hai phải phụ mẹ chăm em, lẽ thường chị Hai luôn thiệt thòi, không được học hành đến nơi đến chốn, vất vả lo toan và luôn nhường phần ngon nhất cho đứa em nhỏ nhất. Không nói đến trình độ học vấn, cái đó cũng bỏ đi nếu không có nhân cách sống. Giá trị chỉ nằm ở họ có bao nhiêu người yêu thương, họ để lại gì trong cái xô bồ nghiệt ngã của cuộc đời.

Chị Hai lấy chồng, một anh công an mẫn cán. Để lấy được chị anh phải đấu tranh quyết liệt như cách anh chiến đấu chống tội phạm, nghĩa là được chị anh mất nhiều thứ. Chuyện tình họ đẹp như cổ tích. Hai đứa trẻ nếp tẻ có đủ và chúng sáng chói như hotboy hotgirl.

Sẽ thế nào nếu thế giới tươi đẹp chỉ gõ cửa trao quà rồi nhanh biến. Cuộc sống của một đời người đâu thể chỉ ấm áp vào xuân rồi úa lạnh vào đông. Nó thực sự rất dài, ngày tháng trôi qua ấy đôi khi được nêm bằng nước mắt và rót bằng nỗi đau, dẫu biết thế giới ngoài kia cũng lắm phận người. Thực tại tôi đang ngắm một bức tranh không chỉ phết màu hồng, nó làm tôi bối rối.

Con bé nhà tôi chơi thân với thằng hotboy này, đến khi con bé đủng đỉnh đòi lấy chồng thì chúng vẫn gọi nhau mày tao như cái thuở còn tắm mưa nhảy nhót dưới hiên nhà. Kể ra đã là ba thế hệ láng giềng sớm tối tắt đèn có nhau, mà nói thật thì thấy thẹn, nhà tôi không bị họ làm phiền, có muốn bị họ phiền mình cũng khó. Thiệt lạ!

Tưởng chị có chồng thì bỏ em, chị đưa đón con đi học rồi về đây cả ngày, phụ mẹ lo cho gia đình, chiều canh giờ kéo con về nhà chăm chồng. Chúng tôi thường chạm mặt nhau, xởi lởi hỏi han vài câu, dáng chị tất bật, nghe tiếng chưa dứt người đã mất hút.

Sau vài tuần mẹ con vắng bóng, tôi biết được chồng chị qua đời, anh bị đột quỵ, chỉ nghe con gái tôi nói thế. Lảng vảng ngay cửa canh dáng chị qua, tôi lao ra thăm hỏi, dẫu chỉ làm chị thêm đau lòng nhưng thực tâm tôi muốn sẻ chia nỗi buồn này, tôi muốn chị cứ trút vào tôi bao nhiêu cũng được, tôi rảnh lắm mà!

Có vẻ thời gian nuôi dưỡng tính cách và rèn nó thành khối đá, chị nuốt ngược nước mắt vào lòng, mạnh mẽ nuôi con khi chúng vừa tuổi chín, mười. Lắm khi thấy xốn xang cho một đóa hoa nhài đang xuân sắc, tôi tiếc nuối: “người đẹp đến cả nết mà bạc phận má hồng, buồn anh nhỉ!”. Chồng tôi suỵt: “Nhỏ thôi em, nói xấu mà lớn tiếng quá chị nghe thấy lại tủi thân, có số cả”. Không buồn cãi với chồng. Thứ nhất, tôi đâu có nói xấu, tôi hóng hớt cả đời mình bên vách tường chung, tôi đồng cảm và thấu hiểu họ để muốn được sẻ chia. Thứ hai, tôi chẳng mấy khi tin vào số má, tôi luôn tin vào bản thân có thể thay đổi tất cả nếu mình chọn đi đúng hướng. Song, có cái gì đó cứ mắc mứu trong tôi không thể giãi bày, một tiếng thét chẳng hạn, chí ít cũng giải thoát tâm tưởng tôi ra khỏi vùng an toàn bình yên đến chết tiệt!

Thấm thoát mười mấy xuân, chị bán nhà xa mua nhà gần để có chị có em, một giai thoại khác cho một hành trình khác. Nét đẹp đằm thắm mặn mà của một góa phụ vẫn làm xiêu vẹo bao bóng cây si, một nhánh hương hoa bay xa nụ cười vẫn ở lại. Bất chấp những con sóng xô bồ đưa đẩy, chị hoá trinh nguyên thánh thiện như một nữ tu tôn thờ vị mục sư của riêng mình. Mãi mãi.

**

Chị Ba. Có chồng, sinh hai chàng trai, một cong một thẳng.

“Cong” là tôi nói theo cách gọi của thời đại này, chứ tôi chưa từng nghĩ khác về hai đứa nhỏ. Chồng bỏ đi khi hai chàng còn nhỏ xíu. Từ lúc có chồng đến khi mất chồng tôi vẫn thấy cả ba mẹ con họ ở đây như chưa từng có điểm xuất phát nào. Đôi lúc ngạc nhiên tôi ca cẩm về thế thái nhân tình. Một tổ ấm được dệt bằng sợi tơ yêu thương mỏng như sương lại bền bỉ rắn chắc hơn sa thạch. Chẳng màng toả sáng không gian ngoài cửa sổ, nó chỉ âm thầm lan tỏa khắp gian nhà thiếu vắng bóng tùng quân. Đến thời cô Tư rồi Năm thì tôi không thắc mắc nữa. Đây là một đại gia đình có truyền thống yêu thương quyết liệt nhất mà tôi từng biết. Đã ai có được thứ tình ấm nóng này? Riêng tôi, tôi chắc mình ngoại đạo, tình thâm là một điều ước xa lạ, quá xa xỉ tôi không thể với tới.

Chị Ba chăm chỉ làm việc nuôi hai nhóc. Chàng lớn dịu dàng đáng yêu như cô bé, cả nhà như thương thằng lớn nhiều hơn, chắc nó ngoan. Dù mềm mỏng, thằng bé vẫn ra dáng con cả chăm sóc tốt cho mẹ và em. Nó kiên nhẫn nghe chị trải lòng, nỗi cô đơn của người phụ nữ còn xuân nhưng tàn ham muốn. Đúng hơn, chỉ một vết thương hằn sâu cũng khiến chị đau khi trời trở lạnh. Thằng bé là điểm tựa êm đềm cho vai chị tựa vào, nói cách khác nó là tất cả những gì chị có trong đời, nên chị yêu thương, trân quý nó hơn vàng ngọc. Điều buồn cười là cách chị gọi tên thằng em nhỏ, chăm nó như vú em chăm từng bước chạy đến móm ăn. Từ trên lầu chị réo tên nó lanh lảnh dọc ngang: “Phước ơi…ơi…ơi Phước! Phước à…à…à Phước”

Không buồn giấu giếm, tôi luôn phì cười mỗi khi nghe thế, dù có đang đứng ở gần chị thì tôi cũng không kìm được. Chị biết thế nhưng vẫn vui và cười theo, chị cứ réo dù có lúc thằng nhỏ quên về, nhắm mắt mở mắt đã nửa đêm. Cái điệu gọi con mắc cười đó không chỉ tôi mà có vẻ cả xóm cũng rộn, có lúc mấy bà kéo ra gọi ké, vừa cười vừa tám; “cái thằng thiệt hết biết, càng lớn càng ham chơi”, biết đâu chừng nó thích được mẹ gọi thế. Rồi một ngày mẹ nó không gọi nó nữa.

Chị thất thần gọi tên Nghĩa ơi, Nghĩa à! Tiếng chị tru lên như tiếng sói, đau xé lòng. Tiếng kêu vang vọng: “Về với mẹ Nghĩa ơi, mẹ chờ con hôm giờ, về con ơi”. Thằng nhỏ bị tai nạn giao thông không về được nữa.

Vài hôm, chị lại ra hiên gọi con, chị không gọi Phước, thằng nhỏ không để mẹ gọi, nó vào đội dân phòng bảo vệ xóm làng, đi làm xong là tót về nhà ngay. Sự ra đi của thằng anh đã thay đổi hoàn toàn số phận tính cách của thằng em, đương nhiên cả chị nữa.

**

Tư!. Có chồng mà chồng có hiếu mới ghê! Đó là tiếng lóng của mấy mẹ buôn dưa lê “thôi thì trời thương, phải có một đứa trọn vẹn chứ!”. Anh chồng nổi tiếng thương vợ, thương miệt mài cả khi Tư bệnh, hình hài khô quắc như bộ xương có trí.

Anh bôn ba cày bừa kiếm tiền cho vợ chạy thận tuần ba bữa. Thời đó bảo hiểm y tế còn hẹp đường lắm, anh bán nhà, bán hết chỉ chừa vợ con. Nhìn Tư người ta thương một, nhưng anh thì thương đến hai ba lận. 

Bà một:

– Giờ kiếm đâu ra anh chồng chung thủy hết lòng với vợ thế không biết.

Bà hai:

– Tuyệt chủng hết rồi, còn mình hắn thôi. Nhìn tụi nó mà thấy ấm lòng thiệt đó chớ.

Tưởng Tư không qua khỏi, nhưng huyết thống của gia đình đó luôn tưới tắm cho những đứa con bất hạnh.

Cô em gái út tình nguyện hiến thận cho chị, hỏi Út có thấy sợ không?, con bé nói nhẹ tênh: “Em sống có mình, đâu có gì để lo chị, một thận đủ mà”.

Ừ!, với Út kiểu gì cũng đủ, nói vừa đủ nghe, cả vừa đủ ý, cũng chẳng mấy khi nghe được tiếng Út thở dài. Út tinh khôi trong suốt như pha lê, đẹp mong manh dễ vỡ, thế mà cách Út toả hương lại chẳng khác trầm hương ẩn tích, đầy sinh lực và ma mị. Mỗi lần em lướt ngang qua, tà áo dài tơ trắng đong đưa luôn làm tôi mê đắm. Cửa sổ nhà tôi như có nắng, như thể em được sinh ra trong vầng ánh sáng trắng diệu huyền, và em thuần khiết lẫn sâu vào sự trắng trong mãi mãi.

Tình yêu luôn mang đến phép màu. Diễm phúc được ban tặng!. Tư là một trong những ca ghép thận đầu tiên ở thành phố, sau khi được bác sĩ người nước ngoài chuyển giao. Tuy nhiên những ca cùng đợt với Tư không được may mắn thế, vài người trong số họ chết dần, không phải vì phẫu thuật, mà là chế độ hậu phẫu chăm sóc nghiêm ngặt để không nhiễm trùng. Cái này lại phải lôi anh chồng có hiếu với vợ ra nói tiếp.

Sáu tháng sau ghép thận, Tư phải được ở phòng cách ly vô trùng, máy lạnh chạy suốt, uống thuốc suốt đời để chống thải ghép. Đâu phải người nghèo nào cũng có điều kiện, cả nhà họ dốc toàn lực cứu Tư. Lâu thật lâu chẳng thấy anh chồng chạy ngang chạy dọc, hỏi ra mới biết, anh lái xe vào ban đêm kiếm thêm chút tiền thuốc thang cho vợ.

Cái nghiệt ngã nhất rồi cũng qua, Tư khoẻ hẳn, người có chút da thịt. Những tưởng giờ họ có thể nghỉ ngơi sau cả chặng đường dài chạy không ngừng nghỉ, than ôi!, ta hay nói “Ông trời thật biết trêu ngươi” cách nói giảm thay cho sự co kéo của cuộc đời.

Anh chồng đổ bệnh, mất sức lao động. Không nói nhưng ai cũng biết anh đã rướn đến tàn hơi cuối cùng để vợ được sống. Chị quật cường đứng lên làm một ngày hai việc, đến tối mịt mới về. Cũng như chị Hai, Tư cứ cười, mặc cái nghèo cái khổ không buông tha họ. May thay, cái tình vẫn bám rễ luồn lách vào từng ngõ ngách, kéo sức sống họ băng qua từng hố sâu thăm thẳm.

Ngưỡng mộ, cảm mến, nhưng tôi lại thích ghẹo họ hơn là ta thán, lắm lúc gặp thì; “còn sức cười hả Tư”. Tư nhe miệng: “Cười mới có sức mà làm chứ, buồn có được gì đâu”.

Ngồi nhìn di ảnh Tư với nét đẹp rạng ngời thanh thoát, nét đẹp thời hạnh phúc tròn đầy trong tình yêu đắm say của chồng và con gái yêu xinh xắn. Còn đâu! Số phận ư! tôi hoang mang, sự kiệt sức vì bươn chải mưu sinh và bệnh tật đã kéo họ ra xa mái nhà ấm êm từ đó.

Nhắc đến căn bệnh của Tư bỗng tôi thấy gai người. Tôi có phải là người vô cảm không, khi tôi cứ lướt qua những lần thấy Tư với vài nhánh nha đam và dừa trái. Cũng có lần tôi hỏi vọng ra: “Cái gì mà thấy ôm cái đống đó về hoài vậy nhỏ! Tư nói là người em lúc này nóng quá nên có người chỉ uống nha đam xay với nước dừa cho nó mát chị”. Tôi chỉ nói với theo là uống ít thôi nhá, uống nhiều quá không tốt đâu em. Thế thôi, lẽ ra tôi phải hỏi rõ hơn chứ đâu biết mỗi ngày Tư uống hai ly chăm chỉ suốt ba tháng ròng.

Rồi bẫng một thời gian khá lâu mới thấy Tư xuất hiện thì tôi bật ngửa tưởng mình nhìn lầm. Em khô sạm quắt queo cơ thể không đầy ba mươi kg. Tôi không bỏ qua, tôi phải hỏi cho ra lẽ, và Tư nói em hỏng hết hai thận rồi chị à, tưởng chết rồi chứ. Chúng tôi đều không phải bác sĩ hay nhà dinh dưỡng học, nhưng cái lý thông thường thì tôi biết là “Quá bổ gan thì hỏng thận”. Thức uống nào mát cũng không có lỗi, lỗi ở ta dùng nó thế nào, cái gì quá nhiều thì thành bất thường và nguy hiểm. Thận sao có thể lọc liên tục mỗi ngày hai ly miệt mài thế, nó mệt và sơ là phải rồi. Nhỏ nói như thể em ngu quá chị ơi, giá mà em biết! Cuộc đời mà, từ “giá như” gần như là huỷ diệt, bởi sự tiếc nuối luôn đi kèm hệ quả.

Tôi đang nghĩ bâng quơ, thì ai đó hỏi chồng Tư đâu qua nay không thấy, bộ nó khóc riết rồi xỉu à!. Chị Hai nói “nó đang bị bó bột ở nhà thương á, thằng nhỏ hay tin vợ được đưa vào viện thì chạy bán mạng, bị tông xe gãy chân luôn, con bé đang ở trong đó với ba”. Và chắc chồng cũng vào viện nhưng không cùng chỗ với vợ rồi, bởi Tư đã được quàng xuống nhà xác mất tiêu.

Vô thường! Cuộc đời quá vô thường. Kiếp nhân sinh luôn đánh võng bập bềnh. Đôi khi số phận cũng chơi trò ô quan đặt và rãi. Trúng ai thì buộc phải quăng quặc, bị hốt đi dù ta vẫn còn thèm muốn được ở lại cuộc chơi trong chốc lát.

**

Năm!. Vì sinh sau đẻ muộn nên ngoài nét đẹp cha mẹ ban cho Năm còn được khoát thêm “áo yếm lụa đào”, nói Năm luôn trong hình thái đẹp sang chảnh từ trong nhà ra ngõ là không ngoa.

Đẹp, thời trang nên chồng Năm là việt kiều mỹ cũng lẽ thường. Năm vui nên tếu táo suốt ngày, nàng mà cười thì kiểu gì bên nhà tôi cũng nghe, rồi cứ thế cười theo.

Mấy năm đầu Năm hăm hở học thêm anh văn, bi bô nửa tây nửa ta nghe cười lộn ruột. Chồng Năm thương vợ con nên ráng cày cục gửi tiền về cho Năm sống thảnh thơi. Thấm thoát vẫn chỉ thấy anh chồng về thăm nhà vài ngày rồi đi, nhanh như chiếc bóng.

Ngôi sao sáng nhất trong nhà đang mờ dần và luôn chớp tắt!. Tôi chạnh lòng nghĩ về những gì được mất, chí ít họ vẫn cười, dẫu ẩn sau nó có là máu hay nước mắt cũng mặc kệ. Thế giới của tôi và họ chạy song song đầy khác biệt. Tôi đơn điệu trong khu vườn rau cải nồi của mình, rồi ghé mắt nhìn sang lòng đầy trắc ẩn, trăn trở ngắm khoảng vườn hoa đẹp bị dập vùi trong giông gió, cái đẹp hong hanh ấy vẫn lãng bảng trôi qua tháng ngày và tôi thì sẵn lòng buồn vô cớ.

Thời gian qua dần, thằng bé đã lớn phổng, nhóc con đẹp tựa nam thần, đúng chuẩn sao Hàn mà giới trẻ ở ta giờ hay la toáng lên là thần tượng. Hai mẹ con như hai chị em sóng bước đến đâu ở đó có niềm vui lan tỏa, họ nương tựa vào nhau ngóng về nơi nửa kia thế giới. Anh chồng yêu vợ trọn đời, nhưng đời đâu để anh thong dong. Nghe Năm nói anh còn phải gửi tiền về cho ba mẹ ở đây, một đại gia đình lớn, chả biết nhân khẩu có tăng dần lên không mà chẳng thể nào đủ tiền ký quỹ ngân hàng để bảo lãnh vợ con qua đó, Năm giận mà thương mà không từ bỏ anh. Dòng máu nhà đó cứ bám rít lấy những người yêu dấu, chỉ có người bỏ họ chứ thề là họ không bỏ người. Ngày đoàn tụ gia đình còn xa ngái!.

Không dám hỏi câu nào, vết thương lòng trong Năm đang trương phồng lên qua tiếng cười re ré, điếc cả tai, hay bởi tai mình đã nghe quá nhiều tiếng lòng thổn thức, đến nỗi tự nó bị ù đi.

Giờ tôi không còn ở đó nữa, tôi đã chuyển đi xa hơn chốn cũ khá xa. Thông tin gì có được cũng từ con gái tôi còn liên lạc qua Facebook với hotboy.

Út ở vậy không lấy chồng, cô không muốn cảnh tình của mình hẩm hiu như các chị chăng? Hay đơn thuần cô chỉ muốn tụng kinh niệm phật!.

Ta dẫn mộng đi tìm chân ngã

Kiếm vô thường đâm xoạc mảnh tâm loà

Gạt giông bão vươn lên chóp núi

Gió phiêu bồng ru nhẹ gót chân ngoan.

P/s. Áng chừng là đã giáp năm ngày Tư đi, tôi chỉ có thể ghi lại vài dòng tưởng nhớ. Nếu các bạn đọc thấy âm u quá thì lượng thứ cho vậy!

30/8/2021