ĐIỂM LẠ
Đức tin thơm hơn ngọc
Thơ bay rồi thơ bay…
Mau gò giai âm lại,
Sớt bớt nghĩa đương say.
Có tin thôn xa đến,
Có điểm lạ đêm nay:
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây!
Ngoài không gian rất mát,
Chim thanh tước ra đời.
Nêu cao hơn tiếng nhạc,
Mùa hát sẽ xanh tươi.
Năm nay tôi thương tuổi
Sai hẹn với người xa.
Năm nay xuân nhắc mãi,
Nước mắt liền ứa ra.
Chiều tà loang sắc tím, dáng người nho nhã tựa trên ‘Lầu Ông Hoàng’ trầm lặng bỗng chênh chao. Hồn thơ sượt màn đêm hư huyễn để thả mình cùng đùa “Chơi Trên Trăng: Tôi đi trong ánh sương mờ, tìm con trăng lạc ngoài bờ bến kia. Xứ yêu bát ngát tôi lìa, dò xem ý tứ ban khuya, tôi liều”.
Nhà thơ bạc mệnh tài hoa yêu trăng khờ đến lụy, vô tình khách thơ yêu Người cũng bưng bức tâm tư. Chất du lãng sóng nổi trong thơ chàng trai vấp phải cơn bạo bệnh, đêm tình tự phiêu diêu đành câm nín. Trái tim hừng hực này vùng vẫy bao lần chốn ngục tù thân ý, tâm đau đớn trầm mình tích tụ ngàn ngày xuân. Nỗi tiếc nuối gióng diếc tận cung hằng, thơ anh lơ lửng rơi tràn lòng giếng lạnh.
Thoắt nhiên, bóng ai kia lại ôm chầm lấy “Trăng Tự Tử: Lòng giếng lạnh, lòng giếng lạnh, sao chẳng một ai hay…”
Cô đơn tê buốt. Lỡ làng này không hẳn chỉ yêu mong nhớ tầm thường, ngay Trăng là hơi thở hương khuya thế mà có đôi lúc bần thần lẩn thẩn “Hàn” vẫn mang “Trăng Vàng Trăng Ngọc treo bán: Ai mua trăng tôi bán trăng cho, không bán đoàn viên, ước hẹn hò”. Cố nhà thơ muốn gán mảnh đời giam hãm để có thể vỗ cánh bay theo gió hẹn thề. Bờ yêu sao nỡ giữ lại cỏ xanh đời ngăn ngắt.
Cụ Nguyễn Du đã thốt lên nỗi thấu cảm của nhân gian không như ý, rũ lòng thương với nàng Kiều tài sắc vẹn toàn: “Chữ tài đi với chữ tai một vần”. Và Cụ nào muốn hậu thế lại có thêm một thi nhân trượt đường trần với chữ tai quá lớn, một tâm tài thơ mới trẻ trung đành quay người bước lẻ. Tuy vòng đời mỏng manh, nhưng cố nhà thơ Hàn Mặc Tử vẫn kịp gửi lại áng thơ tình đẫm lệ cho trăng – người. Trong các tập thơ:
“Lệ Thanh Thi Tập – Gái Quê – Đau thương” Là khi cánh chim trời rã rời chấp chới, “Hàn” giận cả tiếng côn trùng nỉ non hun hút vực sâu.
Đến khi trút hết vào cõi trần tấm tơ lòng nát vụn, chàng thấy xuân hanh vàng lấp láy cuối đường mây. Tình yêu trong anh nhấp nhỏm, chỉ cần mắt chạm bóng chim câu, tai vi vu thanh âm của sóng, trái tim tổn thương lại oằn mình chồm dậy, lại yêu, bút thơ hí hoáy:
“Xuân Như Ý – Thượng Thanh Khí – Cẩm Châu Duyên – Kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ – Quần Tiên Hội..” Bài thơ Điểm Lạ trong tập thơ Xuân Như Ý cho ta chút an ủi, chút xa xót làm ta nhớ nhà thơ quá đỗi.
“Đức tin thơm hơn ngọc
Thơ bay rồi thơ bay…”
Thoát thai tâm tưởng thân nhẹ tựa lông vũ. Nhà thơ mơ màng quyện hồn mình theo dãi mây bồng. Chiếc lá trường sinh va vào đền ước vọng, hương ngọc trời rắc từng giọt vào các giác quan dần hồi sinh!. Cho nhà thơ bay..nên thơ theo anh về miền đất thánh. Niềm tin không là đời tục lụy, với “Hàn Mặc Tử” sống là được bay cao ngút ngàn.
“Mau gò giai âm lại,
Sớt bớt nghĩa đương say.”
Nhà thơ đã mộng du suốt những đêm trường, nên khát khao được lắng hồn tỉnh thức. Tình say là vị nồng cay một thời hoang hoải, anh gác lại cuộc yêu những bóng hồng thơ tan chảy, nguyện làm dòng thác mây rọi xuống đêm huyền.
“Có tin thôn xa đến,
Có điểm lạ đêm nay:
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây!”
Điểm lạ! Một vì sao băng xẹt xuống đồi cát nóng, năng lượng bùng cháy, ánh sáng xuyên thấu châu thân Người. Chín phương mười hướng nào có nghĩa gì, bởi “Hàn” giờ đã nghe được thanh âm vạn vật rồi. Thực thể nhức nhối dần tan biến, sóng lòng đã ngăn dòng nước xiết dội vào mắt tai. Những gì còn lại trong bể tro tàn kết thành quả tinh cầu trong suốt.
Hữu duyên, nhà thơ ví mình là chim Thanh tước, vị ‘thần điểu’ mang sức mạnh và may mắn đến muôn loài!. Hay chính chàng trai trẻ thèm được một lần, một điều ước nhỏ nhoi để vượt thoát ra không gian nhẹ bẫng. Tâm thèm khát làn gió thanh khiết, tai thèm nghe khúc tiêu vọng đêm xuân, thanh xuân đầy ước nguyện thỏa lòng người hấp hối.
“Ngoài không gian rất mát,
Chim thanh tước ra đời.
Nêu cao hơn tiếng nhạc,
Mùa hát sẽ xanh tươi.”
Đêm liêu trai ảo diệu, ước muốn pha lê sẽ tan khi nắng xuân thì gõ cửa. Tuổi hờn chợt đến đi quá vội, anh thương mình làm một lữ khách không thể chu du khắp phương trời. Dẫu thế, nhà thơ đã cân bằng tâm tưởng, anh tự tại, nhẹ nhàng đón nhận từng phút giây được sống.
“Năm nay tôi thương tuổi
Sai hẹn với người xa.”
Là sai hẹn với những mối thâm tình để lại trong cuộc đời anh. Lời là hứa khỏe mạnh trở về bên thân mẫu, gia đình thương yêu. Tình gần mà thật xa vời vợi. Cánh chim du di mãi, dấu tích tận cùng là một khoảng xanh dĩ vãng hóa mây vàng.
“Năm nay xuân nhắc mãi,
Nước mắt liền ứa ra.”
Sao có thể không sợ hãi! Sự chia ly nào đớn đau hơn là nghìn thu vĩnh viễn.
Dặn lòng, “Hàn Mặc Tử” dùng bút nghiên mài mực, vẽ vào đêm chiếc thân gầy hanh hao. “Hàn” vác thơ lên Trăng gửi gắm mật ngọt trần gian chưa một lần nếm thử. “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói, gió trăng có sẵn làm sao ăn”. Cái đói hư thực này ai thấu chăng. Anh công chức Nguyễn Trọng Trí tay bao lần đếm khắc giây nhắc nhớ vị trầm luân còn lại. Có lúc anh quên mất mình đã từng giận dữ dường nào, càng giận càng sợ hãi đến nước mắt tự ứa ra. Dấu trẻ thơ trong hình hài tạo hóa lóng lánh một dòng sông xanh miết. Ngây ngô bên thềm xuân tươi trẻ, nhà thơ dần chìm lắng về cõi xa xăm.
Điểm lạ có phải cánh chim bay về trời, đỉnh phù vân xin níu lại dáng người thanh niên ấy.
* Nhà thơ Nguyễn Trọng Trí với các bút danh: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, Hàn Mặc Tử.
Nguyên Quán Lệ Mỹ (Đồng Hới Quảng Bình). Sinh sống và mộ phần tại Quy Nhơn. Ra đi vì bạo bệnh.
Lệ Hồng