1 – Trẻ em và giáo dục.
Có một bãi cỏ xanh mướt rộng gần 10.000m2 trước thư viện quốc gia Seoul. Từ xa nhìn vào ta thấy các bồn hoa đủ màu đang tắm nắng. Nhưng khi đến gần ta sẽ ngạc nhiên khi được thả mình lên những cánh hoa mềm mại xếp vòng quanh nhau. Đó là những chiếc gối hình thù tựa cái bánh ú, chóp đầu gối nhọn có thể cho ta xách chúng di chuyển khắp nơi trong khuôn viên. Nằm đây vừa phơi nắng vừa đọc sách hay tám chuyện đều dễ chịu, vòng ngoài xa hơn đặt nhiều ghế dựa cho mọi người ngồi theo sở thích.
Sáng thứ sáu thư viện ngoài trời được dựng trong ba nhà lồng thật lớn, cùng các kệ sách đặt xen kẽ từ trong ra ngoài bãi cỏ. Trẻ em cùng ba mẹ đến đây vui chơi và đọc sách, khung cảnh như ngày hội, tiếng cười trong trẻo thích thú của các bé làm không gian vỡ oà. Một sân khấu lớn để mọi người có thể biện luận về các chủ đề và hoà nhạc, thật độc đáo khi món ăn tinh thần được đầu tư rất chỉn chu đầy tri thức.
Hưởng trọn không gian đầy tri thức xong, tôi mãn nguyện quay bước ra quãng trường lớn dẫn đến Cung Điện Hoàng Gia. Dọc dài quãng trường có đủ các môn nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. Như đường xuống tàu điện ngầm ngay đầu trạm, vừa bước xuống vài bậc thang là có một góc thư viện đặt bên trái, sách và ghế cùng hoạ cảnh đèn nê ong rất bắt mắt. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng mỗi góc cạnh lớn nhỏ ở Hàn đều có thể làm các tay selfie mê đắm, và trên hết là phúc lợi cho người dân luôn được đặt ở mức tiện lợi nhất.
Còn đang chiêm ngưỡng một tuyệt tác an sinh hoành tráng, tôi nghe tiếng sáo văng vẳng đầy mê hoặc. Đi theo dòng nhạc dân ca đó, tôi thấy một nhóm bé tiểu học ngồi trên ghế nghe hai nhạc công thổi tiêu, gõ phách. Vài bé chăm chú như đang học cách lắng nghe âm hưởng vọng về từ nguồn cội. Hình ảnh này có thể tôi chưa từng thấy ở quê nhà, hoặc chưa có dịp. Chỉ biết tôi đăm chiêu một thoáng, rồi ngồi xuống một góc làm khán giả, và chính tôi cũng bị cuốn vào tiếng u u se sắt.
Tiếp tục hành trình, là toà nhà chính phủ Hàn toạ lạc ngay đường chính bên tay trái hướng về Cung điện Hoàng Gia. Một đoàn học sinh với phong thái thoải má,i đang bước theo cô giáo vào tòa nhà đó, trên tay các em đều cầm tờ hướng dẫn. Chợt nghĩ, mới tí tuổi đã được hiểu biết về thế nước, tình yêu dân tộc. Tinh thần cứu quốc đang được ươm mầm một cách chính thống đầy thực tiễn. Thế nên, người dân Hàn thích dùng hàng nội hơn hàng ngoại, dẫu thế giới mở cửa tự bao giờ, và Hàn Quốc là nước Châu Á có thu nhập GDP trên đầu người khá cao.
Tạm quên các bé, tôi mặc Han Bok giả dạng người Hàn vào cung vua, nhờ thế chúng tôi không phải mua vé vào cổng. Ở đây họ rất biết cách khuyến khích khách du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa Hàn. Trông ai cũng cười tươi thích thú, khi khoác vào người bộ quốc phục Hàn tuyệt đẹp.
Tôi chưa kịp nhập vai thái hậu đã thấy rồng rắn hai ba đoàn thiếu nhi thong dong bước qua cổng chính, tự do. Tôi nép một bên chiêm ngưỡng các bé với sự thán phục cách giáo dục ở đây. Thế nên tôi giơ tay chào và chúng cúi đầu chào lại, mặc dù tôi chẳng là ai.
Ngoài cung điện và đền đài thì các nơi khác đều miễn vé vào cổng như tháp Nam San và các bảo tàng. Rất đông dân sở tại và du khách vào ra nườm nượp. Bảo tàng dân tộc sát bên cung điện, họ đang biểu diễn múa và gõ trống, âm thanh đầy uy vũ. Theo tiếng nhạc chúng tôi đi qua cổng nhỏ đang mở. Một đoàn học sinh cấp một đang bước vào từ cổng chính, tôi liền hòa vào không khí trẻ thơ đáng yêu đó, đủng đỉnh theo sau đầy thích thú.
Chiều hôm đó tôi vào bảo tàng quốc gia Seoul, khuôn viên rộng ngút ngàn, hồ nước trong xanh cùng đàn cá đỏ vàng bơi lội. Hoa tulip được trồng hai bên đường dẫn lên các bậc thang đến cửa chính. Và, tôi lại thấy nhiều tốp học sinh lớn nhỏ đang nghiên cứu các cổ vật theo nhóm. Nhóm chừng bốn năm em được một người lớn thuyết trình. Các em hỏi, lắng nghe, chụp ảnh và ghi chép.
Không còn sự ngạc nhiên nào, bởi chỉ mới một ngày tôi đã thấy và hiểu vì sao dân trí và ý thức họ cao đến vậy. Nguồn sáng được nuôi dưỡng từ chồi non. Không đọc sách cùng vui chơi ngoại khoá, không hiểu về lịch sử nước nhà sao có thể thành công dân tốt được. Nước mạnh nhờ thế dân vì lẽ đó!
2 – Người lớn tuổi và công việc an sinh.
Có thể người trẻ khó tìm được việc làm như ý tại Seoul, nhưng người lớn tuổi lại hoàn toàn khác. Các nhà hàng, siêu thị, trung tâm hầu như là người đã có tuổi. Họ hoạt bát trẻ trung với nụ cười tươi, dẫu có thể cuộc mưu sinh cũng lắm nhọc nhằn. Nhưng ở tuổi này vẫn được làm việc, được giao tiếp với xã hội mỗi ngày là hạnh phúc. Tôi nghĩ họ được xã hội nhìn nhận một cách trân trọng và đầy trách nhiệm.
Mặt sau công viên quốc gia là phố đi bộ với đủ các shop hàng tiêu dùng và ẩm thực. Chúng tôi vào một quầy hàng ăn ngay đó, có ba phụ nữ điều hành. Họ tất bật quay cuồng nấu nướng và phục vụ, phong cách nhanh nhẹn đầy cuốn hút. Hàng bánh Pizza cũng thế, chỉ một cô vừa nướng vừa phục vụ. Ở đây có su hướng khách ăn đến lấy và tự dọn dẹp, văn hóa này có lẽ được nuôi dưỡng khá lâu nên môi trường sinh hoạt công tư đều sạch thoáng.
Hệ thống giao thông ở Hàn, nhất là tàu điện ngầm có thể tạo một tuyệt tác và đưa vào kỳ quan của thế giới. Tuy nhiên đi Taxi là một trải nghiệm lạ lẫm và có phần vui thích. Lão tài xế khoác bộ đồ dân tộc chỉnh chu đẹp mắt, râu tóc trắng dài như một lãng khách tự tại. Lão nói tiếng anh không sõi, chúng tôi cũng bập bẹ tiếng Hàn bồi, tay ra dấu. Thế mà cái sự hiểu nhau cũng đầy thú vị. Bước xuống xe rồi tôi vẫn còn tiếc nuối nhìn theo lão mỉm cười.
Tôi nghĩ thế giới trẻ thơ và người lớn không có sự phân cách quá nhiều. Ở mỗi vai trò đóng góp, con người là yếu tố được đặt ở vị trí tối ưu. Thế nên, người lớn không thấy mình là gánh nặng của con cháu khi họ còn được phục vụ cộng đồng.
Lệ Hồng