Cô con gái rượu hỏi mẹ qua điện thoại, người chị thứ sáu trong đại gia đình tôi. “Ông ngoại là ai mẹ?” Chị tôi bật cười. “Con vô duyên thiệt.”
Tin báo lên từ bà nhỏ, ba tôi đi rồi. Anh kế tôi gọi điện năn nỉ mãi, cuối cùng cả lũ cũng khởi hành sau đó hai tiếng. Cả đám con dâu rể nhét cứng lên xe bảy chỗ về quê, không có đứa cháu nào theo. Đứa sáng mai còn thi cử, đứa không biết mặt ông ngoại ông nội, đứa đang học trời tây. Thôi ông cũng không biết con đâu, khỏi điểm danh tên con nha. Ừ! không đi không sao, biết thế là được rồi.
Thời gian xóa nhòa vết tích. Sau hơn ba mươi năm ông rời khỏi gia đình, ngỡ là không gặp nữa, vậy mà đến lúc phải gặp, tôi hoang mang.
Hôm gặp nhau ở bệnh viện Bình Dân, nghe bà kể, tự dưng ông đau đến ngất xỉu, nên bà đưa được ông vào viện. Họ chẩn đoán ung thư dạ dày, bà chuyển ông lên bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn mổ gấp. Bác sĩ mở lồng ngực ra ngó cái đóng vô nhẹ nhàng cho về tới viện ngó mặt ông, có đứa không. Tôi thuộc diện đến nhanh rồi về nhanh như cơn gió.
Tuy không gần gũi qua lại, nhưng thông tin về sau có được cũng từ mấy đứa con bà nhỏ liên lạc. Chẳng ai muốn biết ai, khi ông bệnh nặng, bà mới gọi điện lên liên tục. Toàn bộ tiền thuốc thang mổ xẻ, cả ma chay thầy tụng bà cũng réo. Chúng tôi cứ thế làm theo ý bà, nói gì thì nghĩa tử là nghĩa tận.
Anh tôi hỏi bà là thằng con út cũng là bác sĩ, chẳng hiểu sao nó không biết ba bệnh nặng. Bà vội bênh; “Ông già ba gai đau không nói, cứ bảo nó đem thuốc này thuốc kia về uống. Kêu đi khám thì không chịu, nó đụng vào người ông cũng không cho. Mấy đứa cũng hiểu tính ba rồi mà!”
Thật ra chúng tôi chỉ thấy nhiều chứ không hiểu gì về ông cả, nhưng không ai buồn giải thích.
Dẫn đường về quê là cô Năm, em ruột ba tôi. Cô nói như đinh đóng cột là có nhắm mắt tao cũng nhớ nhà. Tụi bây yên tâm, xe lên bờ là coi như đến nhà luôn.
Xe chạy một mạch năm tiếng từ Sài Gòn tới bến phà An Hòa, thuộc huyện Hồng Ngự Tỉnh An Giang. Phà cách chợ Thanh Bình tầm 3 km. Cô Năm nhắc: — Chạy tới một cây nữa là nhà ông ngoại tụi bây. Có đứa nào nhận ra không? Ngộ thiệt, hai bên nội ngoại cách nhau có con sông hà, vậy mà tụi bây mù tịt mới vui.
Thì có về đâu mà biết Năm!
Đêm vắng phà phải chờ thêm khách cho đủ chuyến, thế là mua đứt luôn chuyến cho nhanh. Cả lũ chúng tôi đứng dàn hàng, tay tựa vào thanh chắn phà ngó sao trời. Gió sông Hậu lồng lộng, hương đêm mát lạnh phả vào mặt nghe lạ lẫm. Không ai buồn nhắc gì đến sự ra đi của ông đã được báo trước đó một tháng. Mỗi đứa tự lắp vá vết thương lòng, như đã từng chạy trốn những cơn thịnh nộ của ông.
Hơn 2 giờ sáng xe leo dốc lên đường cái huyện Tân Phú. Xe chạy qua không biết bao nhiêu cột cây số vẫn không thấy nhà đâu. Chưa nói, nhà có tang thì đèn đóm thắp sáng trưng, có treo cái cờ xanh đỏ trước cửa nữa. Thế mà chạy lộn lên lộn xuống chóng mặt, con đường vắng lặng, chỉ có ánh đèn xe cùng bóng đen dày đặc. Tiếng chửi đổng bực dọc, rồi tiếp theo tiếng cười bật ra của ba thằng rể. “Ông già chơi khăm dữ nhen.”
Đến lúc này cô Năm mới khấn:
– Mệt rồi nha anh Hai, hành quá tụi nó xách xe về luôn cho biết. Mần ơn chiếu sáng nhà cái, có ai làm gì anh đâu, tụi nhỏ cũng về đủ mặt còn gì. Tính gàn không bỏ hà.
Căn nhà hiện ra trước mặt, ánh sáng chói lòa, xe thắng két cả đám chúi nhủi. Tiếng la í a lại vang lên điệp khúc. Lần này anh kế tôi làm tài xế nãy giờ mới quay xuống nói: “Cả nhà làm ơn nghiêm túc nha.” Lại tiếng cô Năm: “Có ai giỡn mặt đâu mà hổng nghiêm mậy, sợ ổng muốn chết hà.”
Không biết cuộc đời ông trôi thế nào trong suốt ngần ấy năm, mà đến khi gần chết cũng như chết rồi mọi thứ diễn ra nhanh quá. Chúng tôi cố không để cảm xúc chen ngang lẫn lộn. Hãy để vết thương được chữa lành, chỉ cần biết là về nhìn ông lần cuối thì lòng sẽ nhẹ nhàng an nhiên.
Nói thì dễ làm thật khó. Mấy chị tôi không chịu nói chuyện với bà nhỏ, cứ nhớ về quá khứ mà hậm hực. Thế nên, chẳng đứa nào muốn ở lại nhà bà cả, chúng tôi ra khách sạn gần đó, rồi thay phiên chạy qua lại cho có mặt. Chủ yếu là ba chàng rể và anh tôi túc trực, cùng đám con của bà. Cánh chị em tôi chúng tôi đi qua chùa Bà Châu Đốc gần đó cầu siêu cho ông.
Nghĩ về đây lần này sẽ là lần cuối, chúng tôi bàn nhau là hạ quan xong thì mở cửa mả, đốt luôn đồ tang một lần cho xong rồi chuồn êm. Không có kỷ niệm nào được kể lại trong suốt thời gian đưa tiễn.
Chuyến phà trở về lặng lẽ, những khuôn mặt đăm chiêu, cái nhíu mày hờn tủi. Tiếng khóc từ đâu bật ra nghe nhói. Có lẽ tất cả đã cố kìm nén, cố giấu sự yếu mềm như thể trái tim đã đóng băng từ lâu rồi. Không ai nói lời nào, không có tiếng cười châm chọc, mỗi đứa tự co kéo lại những ký ức buồn thả cho gió sông cuốn đi.
Về Sài gòn rồi cũng không báo cho má biết ba đã mất, cứ để bà sống thảnh thơi. Với bà ông đi bán muối lâu rồi, đâu ai chết hai lần mà nhắc.
Thời gian tưởng phôi pha ai yên phận nấy, má vẫn là tất cả. Đâu dè, cô cháu gái tôi đang học ở nước ngoài, người từng hỏi ông ngoại là ai chợt muốn tin ông là một ai đó…
Cháu tôi muốn học thêm ngành nhân chủng, gia phả tổ tiên. Nghiên cứu kỹ lưỡng thứ tự dòng họ hai bên nội ngoại, thì mới ngỡ ra là chả bên nào coi được. Đúng hơn thì cái bảng hệ rỗng từ đỉnh tháp đổ xuống, nên cháu tôi nằng nặc đòi mẹ làm một chuyến hành hương tìm về nguồn cội.
Chị tôi suy tư! Bao năm không biết, cũng không cần thiết, sống hiện tại an yên là đủ lắm rồi. Nhưng tự nhiên bây giờ nghĩ như thế là mất gốc! Sau khi đắn đo mãi, cuối cùng chị tôi thuyết phục cả đại gia đình kéo nhau về thăm mộ ông ngoại lần nữa.
Vẫn là rủ theo cô Năm dẫn đường, người duy nhất có mối tương tác qua lại giữa hai bà chị dâu lớn nhỏ. Về đến nơi, cả đám đi ruồng từng nhà tá điền xa xưa hỏi han. Cha mẹ họ cũng mất lâu rồi, nên câu chuyện vụn vặt trăm mảnh không ra hình thù gì cả.
Cả đoàn con cháu lần này đủ mặt. Tất cả ngồi quanh đất nghĩa trang cha ông sáu đời nghe cô Năm và vài người lớn tuổi kể chuyện. Chấp nối theo ký ức thì chẳng biết tên tộc đúng hay sai, nhưng chắc chắn là vùng đất này tổ tiên khai hoang lập nên. Sau khi nhà Nguyễn thất thủ, các tướng chạy loạn, cùng bồng bế gia đình lên thuyền xuôi nam. Họ nhớ mang máng ông cụ tổ làm quan tướng gì đó, cũng lớn chứ chẳng chơi. Kệ, quan gì cũng được, có chức tước thì huyết thống cũng có dòng máu xanh ngan ngát.
Bỗng dưng cô Năm rẽ ngoặt cái đùng, mắt rơm rớm:
– Quân nổi loạn mạo danh đạo Hòa Hảo giết hết địa chủ lấy đất, chặt đầu ông nội treo trước rạp hát. Gia đình ly tán, cả họ kéo nhau lên Sài Gòn lánh nạn, rồi đổi tên tuổi sống an phận đến giờ.”
Ba tôi lúc đó cùng hai ông anh họ bị chôn sống đứng, chỉ chừa cái đầu trên mặt đất. Sau đó họ được các tá điền thân tín cứu thoát, rồi cùng chạy lên Sài Gòn. Điều này thì chúng tôi biết, có lần ba bảo tụi con mang họ bà nội, nhớ nha.
Má tôi vẫn còn vết thương ngay hông do đạn bắn. Má từng kể; phía trước bụng quấn chị Ba tôi chừng được một tuổi, tay dắt anh Hai ba tuổi. Quanh thắt lưng dài xuống chân thì buộc vải bọc vàng ở trong. Lúc bị bắn vải tuột ra vàng rớt thấy tiếc mà không dám lụm lại. Má cứ ôm hai con mà bò qua làn đạn mặc cho máu chảy dài.
Ba tôi về đây sống với ý niệm là được gần gũi tổ tiên. Mảnh đất duy nhất không bị chiếm dụng là nghĩa trang gia tộc. Nhưng nó đã hoang phế điêu tàn. Rắn rết động vật côn trùng làm hang làm ổ, cỏ mọc um tùm ngút mắt.
Nghe kể, ba tôi đã vận động họ hàng cùng nhau phát hoang xây lại cho khang trang. Các bia mộ bị đập vỡ hết nên thông tin không còn chính xác, và ba cũng đã tự xây mộ cho mình gần bên ông bà nội. Một gia đình tá điền xưa đã cho lại ông mảnh đất ngay mặt tiền đường để ông xây nhà ở.
Mỗi người nhắc nhớ và chêm thêm cho câu chuyện kéo dài. Nhìn quang cảnh người xưa cũ thoảng như mây, cảm giác vừa gần vừa xa. Có lẽ đó là giây phút mặc niệm xúc động nhất mà lũ chúng tôi có được với quê nội mình. Nhưng không hiểu sao nó cũng trôi qua rất nhanh.
Cháu gái tôi vẫn rất chăm chú chép lại thông tin được ghi từ các bia mộ theo thứ tự. Lượm lặt thế mà cũng ra được cái gia phả hẳn hoi. Xong rồi, mang ra trưng cho bàn dân chiêm ngưỡng, thì hổng hiểu sao mạnh ai nấy lăn ra cười, mỗi người mỗi kiểu.
Tức khí, chị tôi đãi cả nhà một chuyến du lịch ra Bình Định. Đến nhiều nơi và nhất là Bảo tàng Vua Quang Trung tìm giòng dõi quan họ. Mò kim đáy biển thì cứ quơ đại có sao đâu. Cái gì nghĩ riết nghĩ hoài thì nó thành sự thật mấy hồi. Nhiệm vụ hoàn thành, cả lũ đi tham quan vui chơi ăn nhậu, cụng ly chúc mừng gia phả lên vút tận trời cao.
Tiếng chúng tôi cãi nhau đang lớn dần, có lẽ là không hiểu con mình đang nói đến ai, thấy má nghiêng người gần sát bàn ăn. Tôi nhìn má xót xa. Lần nào tụ hợp về đây là chúng tôi bày bàn ăn uống, nói chuyện rôm rả đông tây. Xong rồi mang lô tô ra chơi, mỗi lần có đứa la lên “kinh” má đều cười ha hả theo. Ngồi kế bên nghe ké đám quỷ quái chúng tôi tám nhảm, má hạnh phúc lắm. Chúng tôi chơi xong thì gom hết tiền đưa má bỏ ống heo. Không nhiều nhặn gì, nhưng bà thích đếm tiền lẻ, rồi xếp ngay ngắn lại, buộc thun cho chắc để tết lì xì các cháu.
Nghĩ đây là mục tiêu để má vui sống, nên chúng tôi luôn cố gắng thu xếp về nhà họp mặt. Chúng tôi tuy không giàu có gì, nhưng tôi biết má không còn lo sợ phải khốn khổ nữa. Thời cay nghiệt đã qua, có nhắm mắt cũng an lòng mà đi. Không giống như câu mà tôi đã từng nghe má thầm thì mấy chục năm về trước; “Con xin phật bà từ bi cho con gắng gượng, được cho đến khi con gái út tròn mười tám tuổi. Con sẽ thành tâm theo bà vĩnh viễn”. Mỗi khi nghe câu đó, tôi sợ hãi đến mức khóc òa, hai tay ôm chặt chân má không buông.
Má lãng tai thôi nhưng trí nhớ về ngày xưa vẫn còn như nguyên. Mỗi sáng khi còn khỏe má đều chống gậy ra vườn đi bộ. Mệt rồi thì ngồi trên ghế đá dưới tán cây si to, mắt nhìn dòng sông Vàm Thuật rẽ nhánh trôi ngang. Má dõi theo đám lục bình hoa tím nhấp nhô theo sóng nước. Mắt cười, vừa đọc kinh sấm, vừa trông chờ thuyền chở cát, chở dừa nước, trái cây đi qua. Âm thanh tịch tịch cùng tiếng còi hú vang nghe vui tai. Lâu lại có vài chiếc ca nô chở khách du lịch phóng nhanh làm sóng nước rẽ mạnh đập vào hàng rào, rồi tràn lên bờ vườn nhà. Má đưa hai chân ra đẩy nước, tiếng cười vang như cô gái còn xuân.
Má ngồi đây đan kết thời xa vắng, mắt mù tăm. Mãi tới gần sáu mươi tuổi má mới thoát xác tự do, nên ký ức dày từng lớp cao như cái tháp. Không có niềm vui nào chen vào để có thể quên. Không có ánh sáng nào soi vào để má phủi hết mà lên thiên đàng. Chỉ có các con cần được sống, chúng như ngọn đuốc cháy le lói trong đêm. Má gồng mình ôm chúng tôi vào lòng, sưởi ấm bằng tình yêu người mẹ đầy thương tích.
Nhắm mắt lại một thoáng, má bật dậy nghe các con gọi ai đó là quan là thánh. Mắt má lạc thần. “Dạ, bây giờ ba được nhắc nhớ với rất nhiều kỷ niệm đẹp. Dòng dõi nhà mình thăng quan rồi má ơi.” Tôi chồm tới ôm bà thật chặt. Sẽ không còn như xưa, những tiếng cười vô tư, cả lũ xúm xít quanh má. Má là tất cả! Có ai còn nhớ không!
Thế nên, sau vài lần cãi nhau về việc ai muốn tin hay quơ bừa quan họ gì cũng được, tự mình vui thì chẳng chết ai. Ba vẫn là ba, tin như thế vẫn lành lặn hơn là ôm mãi nỗi đau. Nhưng nói nhỏ thôi, đừng để má nghe về ba nữa, bà không quên đâu. Chúng ta không phải má, ta sẽ không hiểu hết được sự tổn thương sâu sắc đến nhường nào. Hãy để bà an nhiên vui vẻ mà!
Sau khi má tôi qua đời, tất cả chìm vào quên lãng. Niềm tin tạm bợ cũng có giá trị nhất định và hạn định. Tên tuổi gốc gác cùng sự tủi hờn dần tan biến. Có lẽ vết trong tâm hồn chúng tôi không còn xù xì nữa, thời gian đủ chữa lành.
Lệ Hồng